Nhãn

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Đánh Gía Sự Phù Hợp ISO Là Gì



Đánh giá sự phù hợp là quá trình dùng để chỉ ra rằng sản phẩm, dịch vụ hoặc một hệ thống đáp ứng được các yêu cầu quy định. Những yêu cầu này có thể thuộc một tiêu chuẩn ISO nào đó
Đánh giá sự phù hợp là quá trình dùng để chỉ ra rằng sản phẩm, dịch vụ hoặc một hệ thống đáp ứng được các yêu cầu quy định. Những yêu cầu này có thể thuộc một tiêu chuẩn ISO nào đó. Tuy nhiên, ISO (Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa - International Organization for Standardization) không tự thực hiện đánh giá sự phù hợp.


Xem thêm Tiêu chuẩn là gì

Việc chỉ ra sản phẩm, dịch vụ hoặc một hệ thống đáp ứng được những yêu cầu nhất định sẽ đem lại một số lợi ích như sau:

Tăng độ tin cậy của người tiêu dùng vào sản phẩm, dịch vụ hay hệ thống.
Tăng khả năng cạnh tranh của công ty.
Giúp đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, an toàn hoặc môi trường.

Các phương thức chủ yếu để đánh giá sự phù hợp bao gồm chứng nhận, giám định/ kiểm định và thử nghiệm. Mặc dù thử nghiệm được sử dụng rộng rãi nhất nhưng chứng nhận lại là phương thức được biết đến nhiều nhất.
 

Chứng nhận (Certification)


Chứng nhận được thực hiện bởi một cơ quan độc lập cấp chứng chỉ (giấy chứng nhận) cho sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống đã đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo quy định. Cấp giấy chứng nhận còn được gọi là đánh giá sự phù hợp của bên thứ ba.

Nhiều công ty và tổ chức đã nỗ lực đạt chứng chỉ hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, chẳng hạn như ISO 9001. Đây là cách chứng minh cho bên ngoài thấy các công ty hay tổ chức đó có hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả

Thử nghiệm (Testing)


Thử nghiệm là cách kiểm tra đặc tính của một hoặc nhiều mẫu vật hay sản phẩm và thường được thực hiện tại một phòng thử nghiệm.

Nó cũng giống như việc xét nghiệm mẫu máu để phân tích tìm ra một số biểu hiện của bệnh hay rối loạn di truyền.

Uỷ ban ISO phụ trách các vấn đề liên quan tới đánh giá sự phù hợp (CASCO) đã phát triển một số tiêu chuẩn mà các phòng thí nghiệm có thể tuân theo để đảm bảo các kết quả của những phòng thí nghiệm này có thể tin cậy được.

Giám định/ Kiểm định (Inspection)


Giám định/ kiểm định là thực hiện kiểm tra sản phẩm hay dịch vụ thường xuyên để đảm bảo sản phẩm đó đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Ví dụ, đối với bình chữa cháy, sản phẩm này cần được kiểm định thường xuyên để đảm bảo tính an toàn và hữu dụng. Thang máy và máy móc khác cũng cần phải được kiểm định thường xuyên để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

CASCO đã phát triển một số tiêu chuẩn mà các cơ quan giám định/ kiểm định có thể tuân theo để đảm bảo công tác giám định/ kiểm định của họ đáng tin cậy.

Tính hài hòa của đánh giá phù hợp


ISO đã xây dựng các tiêu chuẩn giúp hoạt động đánh giá sự phù hợp trở nên nhất quán. Các tiêu chuẩn này chỉ ra những gì mà một cơ quan hay tổ chức cần làm để chứng minh năng lực đánh giá sự phù hợp, trong đó bao gồm tiến hành thử nghiệm, giám định/ kiểm định và chứng nhận.

Việc hài hòa các hoạt động đánh giá sự phù hợp đem lại rất nhiều lợi ích. Một trong số đó là tạo thuận lợi cho thương mại thế giới. Ví dụ, một nước xuất khẩu pho mát sẽ gửi sản phẩm mẫu với báo cáo thí nghiệm sản phẩm cho nhà nhập khẩu để phân loại pho mát. Nếu không tin tưởng vào báo cáo thí nghiệm đó, nước nhập khẩu sẽ phải tự kiểm tra sản phẩm. Việc này làm lãng phí thời gian và tiền bạc của nhà nhập khẩu. Các hoạt động nhằm hài hòa hóa công tác đánh giá sự phù hợp của ISO sẽ giúp tăng độ tin cậy vào các kết quả thử nghiệm, giám định/ kiểm định và chứng nhận và qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các nước.

Để tăng độ tin cậy vào các hoạt động đánh giá sự phù hợp giữa các nước, cần phải đạt được thoả thuận chính thức mang tên Thỏa thuận Công nhận Lẫn nhau (MRA - Mutual Recognition Agreement/ Arrangement). Đây là thỏa thuận giữa hai nước nhằm công nhận các kết quả thử nghiệm, giám định, chứng nhận hay công nhận của nhau. MRA giúp hạn chế sự chồng chéo của các hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ và hệ thống trước khi được xuất khẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét